Trên thực tế, suốt những năm qua, sự thiếu hụt nguồn nhân lực được đào tạo trong lĩnh vực công nghệ cao đã luôn là một trong những trở ngại lớn đối với nền kinh tế Việt Nam.

Đối với Bùi Công Duẩn, việc trở thành một nhân viên vận hành tại tổ hợp sản xuất của Samsung tại Thái Nguyên có lẽ là một sự thay đổi lớn với chàng trai sinh năm 1995 này. Không đủ điều kiện kinh tế để tiếp tục theo học lên cao đẳng hoặc đại học, năm ngoái, Duẩn đã xin vào làm việc trong nhà máy Samsung Thái Nguyên (SEVT).

Ban đầu, chỉ xác định đó là công việc để kiếm tiền trang trải cuộc sống, nhưng không ngờ tại SEVT, Duẩn vừa có cơ hội được tiếp tục đi học cao đẳng, lại vừa vẫn có thể làm việc như thường. Hiện tại, Duẩn đang theo học ngành điện tử của Trường cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên.

Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật tuyển sinh khoá Cao đẳng học tại SEVT

Không giống với phần đông sinh viên khác, thay vì đi đến trường, Duẩn học ngay tại nhà máy Samsung Thái Nguyên, sau khi tan ca. Những kiến thức học được, Duẩn cũng có thể thực hành ngay trong quá trình làm việc để nâng cao tay nghề. Một công đôi việc.

Duẩn không phải là trường hợp duy nhất được đi học như vậy. Hiện tại có gần 400 nhân viên của SEVT đang theo học cao đẳng ngay tại nhà máy, với các chuyên ngành tiếng Anh, tiếng Hàn, Kế toán và Điện tử. Còn tại tổ hợp nhà máy Samsung tại Bắc Ninh (SEV), đã có khoảng 800 nhân viên tham dự các chương trình đào tạo tương tự.

“Em và nhiều bạn khác đã thực hiện được ước mơ đến giảng đường của mình, mà đồng thời vẫn có cơ hội được làm việc tại một môi trường chuyên nghiệp, được học hỏi tác phong công nghiệp mà trước đây em chưa từng nghĩ đến”, Duẩn chia sẻ như vậy.

Duẩn và những nhân viên khác ở Samsung Electronics Việt Nam có được cơ hội đó vì Samsung Electronics Việt Nam trong thời gian qua đã hợp tác với Trường cao đẳng Công nghệ Bắc Hà (ở Bắc Ninh) và Trường cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên (ở Thái Nguyên), để vừa bù đắp sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, vừa tạo điều kiện cho những nhân viên Việt Nam cơ hội học hỏi, nâng cao kỹ năng, trình độ để phát triển bản thân trong tương lai.

Trên thực tế, suốt những năm qua, sự thiếu hụt nguồn nhân lực được đào tạo trong lĩnh vực công nghệ cao đã luôn là một trong những trở ngại lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Và hệ quả là cả một thời gian dài, hầu như Việt Nam chỉ thu hút được các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ, gia công lắp ráp điện tử…

Tại hầu hết các cuộc đối thoại giữa cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan Chính phủ, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), các nhà đầu tư nước ngoài luôn bày tỏ quan ngại rằng việc thiếu nguồn nhân lực được đào tạo tốt sẽ cản trở sự phát triển ngành công nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao.

Thực tế thì trong một thập kỷ vừa qua, số lượng các dự án FDI trong lĩnh vực công nghệ cao đang ngày càng xuất hiện nhiều tại Việt Nam. Ngoài Samsung, với tổng vốn đầu tư tại Việt Nam hiện đã lên tới 14,2 tỷ USD, còn có Intel, LG, Microsoft hay Bosch… cũng đều đã xây dựng những nhà máy sản xuất quy mô lớn tại Việt Nam. Và như một lẽ đương nhiên, các nhà đầu tư này đều đau đầu với bài toán thiếu hụt nhân lực chất lượng cao.

Có một câu chuyện rằng, khi Intel mới vào Việt Nam, họ muốn tuyển hàng nghìn kỹ sư, nhưng cuối cùng, qua phỏng vấn số lượng đáp ứng được yêu cầu chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và cách mà các tập đoàn này giải bài toán nhân lực, là tự mình đào tạo nguồn nhân lực cho mình.

Tự mình đào tạo nguồn nhân lực là cách các tập đoàn lớn như Samsung giải bài toán nhân lựcTự mình đào tạo nguồn nhân lực là cách các tập đoàn lớn như Samsung giải bài toán nhân lực

Intel, Bosch… đều đã làm như vậy, và đặc biệt là Samsung. “Tại Samsung, con người luôn được xem là yếu tố quan trọng nhất. Chính vì vậy, chúng tôi luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho các chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu mỗi nhân viên Samsung không chỉ giỏi về chuyên môn, mà còn có kiến thức văn hóa, xã hội rộng lớn”, ông Han Myoung Sup, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Electronics Việt Nam, nói.

Để làm được điều đó, Samsung đã tập trung xây dựng các chương trình đào tạo đa dạng, không chỉ cho nhân viên mới mà còn dành cho toàn bộ đội ngũ nhân viên ở mọi cấp bậc trong suốt quá trình làm việc tại công ty. Nội dung đào tạo cũng hướng đến việc cung cấp các kiến thức, kỹ năng phù hợp với hoạt động sản xuất - kinh doanh của công ty, đồng thời bắt nhịp với xu thế phát triển của xã hội.

Và kết quả là các chương trình đào tạo đó đã giải quyết được khó khăn về nguồn nhân lực mà Samsung gặp phải. Bằng chứng là Việt Nam đã trở thành cứ điểm sản xuất lớn nhất của Samsung trên toàn cầu, với hơn 33% số lượng điện thoại Samsung được sản xuất tại đây. Điều này cũng có thể coi là đóng góp lớn của một tập đoàn nước ngoài trong quá trình đào tạo nhân lực tại Việt Nam, khi hệ thống giáo dục trong nước chưa đáp ứng kịp nhu cầu.

33% số lượng điện thoại Samsung trên toàn cầu được sản xuất tại Việt Nam

“Ngoài các đóng góp về giải quyết việc làm, thu hút đầu tư, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam, thì Samsung đã có một đóng góp to lớn trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử cho Việt Nam. Đây là điều mà không phải nhà đầu tư nước ngoài nào cũng làm được”, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nói và một lần nữa nhấn mạnh việc Samsung đã đầu tư lớn cho công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) ở Việt Nam.

“Điều đó có nghĩa rằng, không chỉ lao động phổ thông, mà cả lao động bậc cao ở Việt Nam cũng có cơ hội được tiếp xúc và học hỏi công nghệ nguồn của thế giới”, ông Mại nói.

Thông tin từ Samsung Electronics Việt Nam cho biết, nếu như việc liên kết đào tạo với các trường cao đẳng chỉ có thể giúp giải quyết được việc thiếu hụt nguồn lao động có trình độ cho các nhà máy sản xuất, thì để thúc đẩy hoạt động R&D trong lĩnh vực công nghệ cao, vẫn cần sự tham gia của các trường đại học. Trong bối cảnh đó, Samsung đã lập ra Chương trình Samsung Talent Programme, để đảm bảo nguồn cung nhân lực cho Trung tâm R&D Hà Nội (SVMC).

“Chương trình này cho phép sinh viên tại ba trường đại học, bao gồm Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội và Học viện Bưu chính - Viễn thông nhận được các khoản học bổng, cũng như được phép gửi sinh viên đến thực tập, nghiên cứu ngay tại SVMC”, ông Đỗ Đức Dũng, Trưởng phòng Quản lý Dự án tại SVMC cho biết.

Ngoài ra, Samsung cũng hỗ trợ nhà trường trong việc thực hiện những khóa học dành riêng cho những sinh viên được nhận học bổng, hay thậm chí lập ra các phòng thí nghiệm để sinh viên có thể nghiên cứu.

Nhưng quan trọng hơn, chương trình này cho phép Samsung tài trợ tài chính cho các dự án nghiên cứu của giảng viên và sinh viên tại các trường đại học, với ngân sách khoảng 300.000 USD/năm. Số tiền dù không lớn nhưng theo ông Dũng, đủ để khuyến khích tính sáng tạo và nghiên cứu tại các trường đại học.

“Chúng tôi sẽ thẩm tra và xem xét các đề xuất nghiên cứu, sau đó cung cấp khoản tài trợ tài chính cho dự án đó. Kết quả nghiên cứu có thể được áp dụng ngay vào sản phẩm của Samsung,” ông Dũng nói.

Có một thông tin không nhiều người biết, là hiện Samsung có một trung tâm R&D quy mô 1.500 kỹ sư tại Hà Nội. Con số này sẽ tăng lên 2.600 vào năm 2018. Đó là còn chưa kể, còn có tới 2.000 kỹ sư và kỹ thuật viên hiện đang tham gia vào các hoạt động R&D tại hai tổ hợp sản xuất của Samsung tại Thái Nguyên và Bắc Ninh.

Nguồn nhân lực chất lượng cao này đã được Samsung trực tiếp đào tạo và đang từng ngày, từng giờ sáng tạo ra các phần mềm nổi tiếng thế giới, hiện đang được sử dụng trong nhiều dòng sản phẩm điện thoại đỉnh cao của Samsung, như S Pen, Smart Swith, hay Smart School… Nhiều người ngỡ ngàng khi biết những phần mềm này do chính các kỹ sư Việt Nam sáng tạo ra.

“Samsung thực sự đã góp phần rất lớn trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam”, GS-TSKH.Nguyễn Mại khẳng định.

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Đăng nhận xét

 
ThếGiớiCôngNghệ.com © 2013. All Rights Reserved. Share on Google Template Free Download. Powered by Google