“Hãy nhớ lấy, hãy nhớ lấy ngày mùng năm tháng 11” - câu nói biểu tượng về Guy Fawkes.

Khuôn mặt trắng bệch với nụ cười mỉm đầy bí ẩn, mặt nạ Guy Fawkes từ lâu đã trở thành biểu tượng đầy bí hiểm của nhóm siêu hacker Anonymous. Thế nhưng, ít ai biết nguồn gốc chấn động của nó. Mặt nạ này bắt nguồn từ nước Anh và cái tên Guy Fawkes khởi nguồn từ câu chuyện từng gây chấn động lịch sử trong thế kỷ 17.

Guy Fawkes (13/4/1570 - 31/1/1606), còn được gọi là Guido Fawkes, là một thành viên của một nhóm tín đồ công giáo của Anh thực hiện vụ âm mưu thuốc súng nhằm mưu sát Vua James I (19/6/1566 - 27/3/1625) của Anh, gia đình của ông, cũng như tầng lớp quý tộc theo đạo Tin lành. Sinh ra ở thành phố York, Guy Fawkes cảm thấy bất mãn với sự thống trị của hoàng gia. Ngày 5/11/1605, Fawkes cùng với các bạn của mình đã chôn 36 thùng thuốc nổ dưới nền gạch của tòa nhà quốc hội ở London, dự định ám sát vua James I. Kế hoạch bị chặn đứng khi chưa kịp hoàn thành. Trước khi cuộc họp quốc hội diễn ra vài giờ, thị vệ của vua James I đã phát hiện ra Guy Fawkes và bắt giữ ông ta.

Kết cục, năm 1606, Fawkes bị kết tội phản quốc, chịu hình phạt ở mức cao nhất là treo cổ, móc lấy nội tạng và cho xe kéo lê khắp phố phường. Thi thể của ông được đưa đến bốn vùng của nước Anh để mọi người tận mắt chứng kiến. Nhà vua hy vọng Fawkes trước khi chết có thể nói ra những câu tỏ ra khuất phục, nhưng đáp lại, ông nở một nụ cười đầy bí ẩn. Truyền thống thắp lửa hội và thiêu hình nhân Guy Fawkes đã được bắt đầu không lâu sau khi âm mưu thất bại, và đến tận bây giờ trẻ em vẫn còn thuộc lòng những vần điệu ma quái “Remember, remember the fifth of November” (“Hãy nhớ lấy, hãy nhớ lấy ngày mùng năm tháng 11”). Sau vụ ám sát không thành, Fawkes đã để lại một dấu ấn lâu dài trong lịch sử và văn hóa đại chúng. Ông đã được nhắc đến trong phim ảnh, văn học và âm nhạc qua các tác phẩm của Charles Dickens hay John Lennon. Tên ông cũng được đặt tên cho một vài địa danh như Isla Guy Fawkes trên Quần đảo Galápagos hay Sông Guy Fawkes tại Australia.

Trong thập niên 80 của thế kỷ trước, hai tác giả tiểu thuyết truyện tranh Alan Moore và David Lloyd đã cho ra đời tác phẩm truyện tranh, “V for Vendetta” (“V báo thù”), trong đó nhân vật chính là một người theo chủ nghĩa vô chính phủ mặc áo choàng, đeo mặt nạ gương mặt nhoẻn cười của Guy Fawkes trong khi chiến đấu chống lại một nhà nước độc tài chuyên chế giống như thời phát xít. Các tác giả muốn tôn vinh Guy Fawkes bằng cách biến ông ta thành một hình tượng phản anh hùng trong thời kỳ hiện đại. Năm 2006, cuốn truyện tranh gốc được chuyển thể thành phim, và mặc dù bộ phim khác với tác phẩm gốc theo một số cách, chiếc mặt nạ của nhân vật “V” vẫn là một chuyển thể trung thành với hình ảnh cách điệu từ trong cuốn truyện. Những chiếc mặt nạ để kỷ niệm ngày bộ phim ra mắt đã được phân phát cho người hâm mộ và được đem bán trên mạng.

Vào tháng 1/2008, Anonymous đã triển khai “Chiến dịch Chanology” - một đợt tấn công có tổ chức nhằm vào trang web của Giáo hội Khoa Luận giáo (Scientology) mà họ cho là đã có hành động kiểm duyệt thông tin. Điều 17 trong Quy tắc Hành xử của Anonymous, được phát cho những người tham gia vào trước “cuộc biểu tình công khai thực sự ngoài đời đầu tiên” của nhóm vào tháng 2/2008 viết: “Hãy che mặt các bạn. Như vậy các bạn sẽ không bị nhận diện từ video mà các thế lực thù địch ghi lại”. Với những người chọn cách đeo mặt nạ, quyết định là rất đơn giản: lấy cảm hứng từ cảnh cuối cùng trong bộ phim khi đám đông người đeo mặt nạ Guy Fawkes tập trung ở phía ngoài và chứng kiến Tòa nhà Quốc hội bị nổ tung, chiếc mặt nạ “V for Vendetta” chính là thứ vật che mặt mà Anonymous cần đến.

Về lai lịch của Guy Fawkes, người Anh thậm chí đã đưa vào giáo trình cho học sinh trung học và coi đó là một phần không thể thiếu trong kiến thức lịch sử mà mỗi người dân Anh cần biết. Ngày 5/11 hằng năm được xem là “đêm của Guy Fawkes”. Vào mỗi dịp này, toàn nước Anh đều bắn pháo hoa, mọi người cùng tụ tập hát vang bài “Remember” của John Lennon. Trong bài hát có câu: “Hãy nhớ, hãy nhớ ngày 5/11”…

Ca khúc Remember của John Lennon.

Người dân địa phương cho biết, ý nghĩa của việc bắn pháo hoa là để nhắc nhở rằng nước Anh từng tránh được một đại họa khủng bố, nhưng mặt khác cũng để tưởng nhớ đến người muốn dùng bạo lực để lật đổ thể chế mà anh ta thấy bất mãn. Ở ý nghĩa đó, người Anh muốn thế hệ sau nhớ đến tên của một vị hiệp sĩ dám hành động vì lý tưởng của mình.

Tham khảo TheEconomist

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Đăng nhận xét

 
ThếGiớiCôngNghệ.com © 2013. All Rights Reserved. Share on Google Template Free Download. Powered by Google