Kỷ nguyên của các thiết bị IoT (Internet of Things) đã mang tới những biến đổi cách mạng trong cuộc sống của con người. Không chỉ sử dụng ngày càng nhiều các ứng dụng giọng nói trong hoạt động thường ngày, giới trẻ đam mê nghiên cứu về công nghệ còn tự xây dựng những chương trình trên nền tảng các ngôn ngữ lập trình và công nghệ sẵn có.
Họ mơ về một "thành phố thông minh", nơi con người được hỗ trợ hoàn toàn từ việc nhà cửa, giải trí, học tập, cho đến tham gia giao thông, y tế... bởi các "trợ lý" chuyên nghiệp được điều khiển bằng giọng nói.
Trong số các ý tưởng tại cuộc thi S.M.A.C Challenge 2015, lĩnh vực giao thông chiếm tỷ lệ áp đảo với 10% tổng số đề tài của 48 đội lọt vào vòng hai. Các nhóm sinh viên đưa ra nhiều ý tưởng về trợ lý thông minh hỗ trợ lái xe, tìm đường...
Ứng dụng của PDU SUN sẽ hỗ trợ tích cực cho CSGT. |
Đề tài của PDU SUN, nhóm cựu sinh viên Đại học Phương Đông, được đánh giá cao vì không chỉ hỗ trợ riêng người dùng mà ứng dụng này còn có ích cho lực lượng cảnh sát giao thông. Với ý tưởng robot điều hành giao thông kết hợp camera giao thông, chương trình có thể phát ra lời cảnh báo trực tiếp trên loa với các trường hợp vi phạm như vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, đồng thời tự gửi dữ liệu vi phạm về trung tâm để phối hợp các đơn vị cảnh sát. Nếu triển khai thành công, đây có lẽ là tín hiệu đáng mừng góp phần cải thiện tình hình trật tự an toàn giao thông tại các thành phố lớn, giảm tải cho lực lượng CSGT.
Trong khi đó, với tham vọng cung cấp cho người dùng một bác sĩ tai mũi họng cá nhân, đội IT PTIT từ Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn Thông đã trình diễn ý tưởng mới mẻ về "bác sĩ robot"với khả năng phát hiện nguy cơ bị bệnh đường hô hấp dựa vào âm thanh phát ra (tiếng nói, tiếng ho...) với độ chính xác cao, đồng thời gửi cảnh báo khi người dùng di chuyển vào vùng có không khí ô nhiễm.
Cùng chung mối quan tâm về sức khỏe nhưng đi sâu hơn về việc chăm sóc mẹ và bé, đội QTP-UIT đến từ Đại học Công nghệ Thông tin TP HCM cung cấp cuốn "Cẩm nang chăm sóc sức khỏe cho mẹ và bé". Người dùng có thể tra cứu thông tin bằng giọng nói, nghe hướng dẫn dưới dạng audiobook hoặc ghi âm lại những nội dung cần lưu để sử dụng sau này.
Về lĩnh vực giáo dục, nhiều đội chơi đều có cùng ý tưởng chế tạo robot học với trẻ em, robot nhận diện và dịch ngôn ngữ, robot dạy tiếng Anh, chương trình ôn luyện và thách đấu trực tuyến làm tăng khả năng tự học ở trẻ...
Smart Learning giúp kiểm soát thời gian sử dụng các thiết bị công nghệ. |
Ngày nay, vấn nạn trẻ mê smartphone đang làm đau đầu nhiều ông bố bà mẹ. ứng dụng Smart Learning của UIT-Pirate King thuộc Đại học Công nghệ Thông tin TP HCM là giải pháp hiệu quả cho vấn đề này. Để mở khóa và sử dụng điện thoại, trẻ sẽ phải trả lời đúng một số câu hỏi với nội dung được phụ huynh chuẩn bị trước. Sau mỗi khoảng thời gian nhất định, ứng dụng sẽ tiếp tục khóa máy và yêu cầu trẻ trả lời những câu hỏi khác. Sau một mức thời gian được phụ huynh cài đặt sẵn, điện thoại sẽ tự tắt và trẻ không thể tiếp tục sử dụng nữa.
Với chủ đề Số hóa giọng nói, S.M.A.C Challenge 2015, do tập đoàn FPT tổ chức, là cuộc thi đầu tiên tại Việt Nam tìm kiếm và phát triển các ý tưởng công nghệ tương tác bằng giọng nói. Vượt qua vòng sơ loại, hơn 200 thí sinh thuộc 26 đội ở Hà Nội và 22 đội ở TP HCM đã bước vào giai đoạn đào tạo, cập nhật công nghệ mới với sự hỗ trợ từ các chuyên gia công nghệ của FPT. Vòng bán kết sẽ diễn ra vào giữa tháng 11 và vòng chung kết dự kiến được tổ chức vào ngày 19/12.
Minh Minh
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét