Khi không còn lợi thế công nhân "giá rẻ", những nhà sản xuất Trung Quốc buộc phải tự động hóa dây chuyền sản xuất của mình ...
Trung Quốc là đất nước đông dân nhất thế giới với nguồn lao động trẻ dồi dào. Đây cũng chính là nền tảng cho sự phát triển bùng nổ của các nhà máy ở đất nước này trong khoảng 4 thập kỷ qua. Rất nhiều công ty lớn trên thế giới như Apple, Samsung, HTC hay BMW, Toyota,... đều chọn Trung Quốc làm nơi đặt nhà máy sản xuất chính.
Tuy nhiên, những năm gần đây tất cả đã thay đổi, mức lương lao động ngày một cao và nguồn cung lao động trẻ giá rẻ suy giảm. Trước tình hình này, nhiều nhà máy của Trung Quốc đã quyết định chuyển hướng sản xuất lên trình độ công nghệ cao hơn: thay thế công nhân bằng robot.
Lực lượng lao động giá rẻ đã giúp nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm qua
Shenzhen Rapoo Technology - công ty có trụ sở ở Thâm Quyến là một trong những ví dụ điển hình. Đây là "lá cờ đầu" trong công nghệ tự động hóa dây chuyền sản xuất nhiều năm qua. Tại nhà máy của Shenzhen Rapoo, các bạn có thể chứng kiến hàng trăm robot hoạt động "đều tăm tắp" dưới sự kiểm soát của con người.Trước đây, những công việc đó đều được làm bằng tay và cần đến số lượng lao động gấp nhiều lần số robot hiện tại. Nhà máy này cũng chỉ cần khoảng 1.000 lao động trong khi đó con số này vào thời cao điểm là 3.000 người.
Phboll Deng, phó giám đốc phân xưởng của Shenzhen Rapoo tiết lộ rằng, công ty đã bắt đầu áp dụng công nghệ tự động hóa từ 5 năm trước. Khi đó, Shenzhen Rappo đã mua 80 con robot từ công ty ABB của Thụy Điển để thực hiện công việc lắp ráp chuột, bàn phím và linh kiện máy tính. Việc thay thế công nhân bằng robot đã giúp công ty này tiết kiệm tới 1,6 triệu USD/năm.
Hình ảnh này không còn hiếm thấy ở những nhà máy sản xuất tại Trung Quốc
Không chỉ các nhà máy mà chính quyền Trung Quốc cũng khuyến khích triển khai những dự án thay thế công nhân bằng robot. Tháng 3/2015, tỉnh Quảng Đông đã công bố khoản đầu tư lên tới 148 tỷ USD để hỗ trợ những công ty lớn ở đây trang bị robot, với mục tiêu tự động hóa 80% hoạt động sản xuất vào năm 2020.
Có thể nói lực lượng lao động giá rẻ đã giúp nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm qua. Tuy nhiên, việc mức lương lao động tăng tới 15-20% mỗi năm khiến cho các công ty ở đây phải thay đổi mô hình sản xuất. Bên cạnh đó, vấn đề dân số già cũng ảnh hưởng không nhỏ tới ngành công nghiệp của nước này, khi đa số người trẻ đều mong muốn học đại học để tìm kiếm một công việc dùng "trí tuệ" thay vì lao động chân tay.
Tuy nhiên, việc chuyển hướng sang công nghệ tự động hóa không phải là chuyện một sớm một chiều. Trong bối cảnh lợi nhuận suy giảm bởi kinh tế khó khăn, chi phí ngày càng tăng thì số tiền để đầu tư vào robot cũng không hề nhỏ. Điều duy nhất an tủi những công ty này là với sự phát triển của công nghệ, giá thành robot đã giảm rất nhiều so với những năm trước. Bên cạnh đó, thời gian thu hồi vốn của một robot ở Trung Quốc chỉ còn 15 tháng, trong khi ở thời điểm năm 2008, con số này lớn gấp 10 lần.
Năm 2014 vừa qua, các công ty Trung Quốc đã mua về 56 nghìn robot trong tổng số 224 nghìn robot được bán ra trên toàn thế giới. Tuy vậy, tỷ lệ robot/công nhân tại Trung Quốc vẫn còn khá thấp so với những nước phát triển khác: 30 robot trên 10 nghìn công nhân. Trong khi tỷ lệ này tại Hàn Quốc là 437, Mỹ là 152 và mức trung bình của toàn cầu là 62. Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực để nâng tỷ lệ này lên con số 100 vào năm 2020.
Tham khảo: wdam
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét