Hành trình khám phá sao Hỏa kéo dài hơn nửa thế kỷ của loài người đã diễn ra như thế nào? Tiến bộ vượt bậc ra sao?
Mới đây, NASA đã công bố rằng chúng ta đã tìm thấy nước dạng lỏng trên bề mặt sao Hỏa. Phát hiện này đánh dấu một bước tiến lớn trong quá trình nghiên cứu và khám phá Hành tinh Đỏ bắt đầu từ năm 1960.
Bài viết sau đây sẽ giúp bạn có một cái nhìn tổng quát hơn về hành trình khám phá sao Hỏa của loài người chúng ta.
1960: xuất hiện ý tưởng phóng tàu vũ trụ lên sao Hỏa
Phi thuyền Mars 1M No1 của NASA.
Loài người đã bắt đầu tìm cách phóng tàu vũ trụ đi chụp ảnh bề mặt sao Hỏa, khởi nguồn bằng dự án mang tên Mars 1M No1 do NASA và Liên Xô (cũ) khởi xướng. Tuy nhiên, dự án đã thất bại do Mars 1M đã không thể tiếp cận quỹ đạo của Hành tinh Đỏ.
1964: tàu vũ trụ tiếp cận được sao Hỏa
Mariner 4 - tàu vũ trụ đầu tiên tiếp cận được sao Hỏa.
Sau rất nhiều thử nghiệm thất bại, ngày 28/11/1964 đã đánh dấu một cột mốc đáng nhớ cho toàn nhân loại. Tàu Mariner 4 của NASA đã tiếp cận thành công của Hành tinh Đỏ và gửi những bức hình đầu tiên chụp bề mặt sao Hỏa về cho chúng ta.
1969: chụp được 20% bề mặt của sao Hỏa
Mariner 6 của NASA.
Trong năm 1969, NASA tiếp tục ghi dấu ấn bằng những bức ảnh chụp sao Hỏa từ tàu Mariner 6 và Mariner 7. Lần này, hai vệ tinh đã gửi về 201 bức ảnh, chụp được 20% bề mặt của Hành tinh Đỏ.
Lần đầu tiên chúng ta được thấy những mảng tối trên bề mặt của tinh cầu này, đồng thời có được một số thông tin về bầu khí quyển tại đây.
1971: chụp được 85% bề mặt sao Hỏa
Ngày 30/5/1971, NASA đã thực hiện thành công dự án đầu tiên đưa vệ tinh Mariner 9 vào quỹ đạo của sao Hỏa. Mariner 9 cũng cung cấp bằng chứng về những dãy núi lửa khổng lồ tại đây.
Tổng cộng, vệ tinh đã gửi về cho nhân loại 7.329 bức ảnh, bao trùm được 85% bề mặt hành tinh – lớn hơn rất nhiều so với các tàu vũ trụ trước đó.
Bức ảnh bề mặt sao Hỏa được chụp bởi Mariner 9.
Bức ảnh duy nhất được gửi về trước khi mất liên lạc của Mars 3.
Cũng trong năm 1971, Liên Xô (cũ) suýt chút nữa đã thành công trong việc đưa tàu vũ trụ Mars 3 hạ cánh xuống bề mặt Sao Hỏa. Sở dĩ dùng từ “suýt” là bởi vì tàu chỉ kịp gửi thông tin về trong vòng vỏn vẹn… 20 giây trước khi bị mất liên lạc.
1975 - 1976: tàu vũ trụ hạ cánh thành công xuống bề mặt sao Hỏa
Tàu vũ trụ Viking 1.
NASA khởi động dự án Viking với mục đích đem lại những bức ảnh có độ phân giải cao, đồng thời tìm kiếm sự sống trên Sao Hỏa.
Hai tàu vũ trụ Viking 1 và Viking 2 đã tiếp cận quỹ đạo và hạ cánh thành công xuống bề mặt hành tinh, cung cấp cho chúng ta những thông tin đầu tiên về thành phần đất trên Sao Hỏa.
Bức ảnh rõ nét đầu tiên được chụp bởi Viking 1.
Bức ảnh màu đầu tiên của Viking 1, chụp vào 21/7/1976.
1996: đưa được robot lên bề mặt sao Hỏa
Sojouner - robot tự hành đầu tiên của tàu Mars Pathfinder.
Suốt những năm sau đó, các dự án về Sao Hỏa là không nhiều, và phần lớn trong số đó đều thất bại. Tuy nhiên, việc NASA đưa tàu Mars Pathfinder hạ cánh trên Sao Hỏa vào 12/1996 là dấu mốc đầu tiên chúng ta đưa được robot tự hành (rover) lên bề mặt sao Hỏa.
Sojourner – robot tự hành của Mars Pathfinder dừng hoạt động sau 84 ngày, gửi về 16.500 bức ảnh, cùng hơn 8,5 triệu tính toán về áp suất khí quyển, nhiệt độ và sức gió tại đây.
2001: đưa được vệ tinh tiếp cận quỹ đạo sao Hỏa
NASA khởi động dự án đưa vệ tinh Mars Odyssey tiếp cận quỹ đạo của Sao Hỏa. Mars Odyssey đã đưa ra một số manh mối vào năm 2002, giúp các khoa học gia đưa ra kết luận vào năm 2008 về việc đã từng có nước trên sao Hỏa. Đây cũng là phương tiện trung chuyển thông tin cho robot tự hành Curiosity nổi tiếng từ năm 2011.
Theo dự tính từ NASA, Mars Odyssey có thể hoạt động tốt đến năm 2016, thậm chí còn hơn thế nữa.
2003 - 2004: tìm thấy nước có dạng băng đá ở 2 cực của sao Hỏa
Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) cũng đã thành công trong việc đưa vệ tinh Mars Express vào quỹ đạo của Hành tinh Đỏ.
Nhờ Mars Express, ESA đã tìm ra rằng có nước dạng băng đá tại hai cực của Sao Hỏa vào năm 2004. Ngoài ra, vệ tinh còn tìm thấy dấu vết của khí methane trong bầu khí quyển của sao Hỏa, cho thấy tiềm năng tồn tại vi khuẩn trên hành tinh này.
Hố băng khổng lồ trên sao Hỏa.
2007: quay được cảnh gió lốc trên sao Hỏa
Ảnh chụp bề mặt Sao Hỏa từ robot tự hành Spirit.
Từ 2003 - 2007 là thời điểm một loạt dự án liên quan đến Sao Hỏa thành công, trong đó có nhiều phát hiện quan trọng.
Gió lốc trên sao Hỏa.
Có thể kể đến như robot tự hành Spirit – đem lại những bức ảnh có độ phân giải cực cao, thậm chí là cả video quay lại cảnh gió lốc trên hành tinh này. Hay như tàu Phoenix – hạ cánh gần cực hành tinh đã tìm ra nước đóng băng trên Sao Hỏa…
2011: robot hiện đại hạ cánh thành công xuống bề mặt sao Hỏa
Robot tự hành Curiosity.
Robot tự hành lớn nhất của chúng ta - Curiosity - đã hạ cánh thành công. Curiosity là robot có kích cỡ lớn do NASA chế tạo, được trang bị nhiều công nghệ hiện đại, cung cấp cho các khoa học gia những thông tin chuẩn xác hơn rất nhiều so với các robot trong quá khứ.
2013: nghiên cứu sâu hơn về điều kiện tự nhiên của sao Hỏa
Vệ tinh MOM.
NASA tiếp tục phóng lên quỹ đạo sao Hỏa 2 vệ tinh MAVEN và Mars Orbiter Mission (MOM) nhằm nghiên cứu sâu hơn về điều kiện tự nhiên của Sao Hỏa, bao gồm thành phần bầu khí quyển, khí hậu, nhiệt độ…
2015: tìm thấy nước dạng lỏng
Vào ngày 28/9/2015, NASA chính thức công bố về việc tìm ra nước lỏng trên bề mặt Sao Hỏa. Có được thành quả gây “chấn động” này cũng nhờ vào sự phát triển của công nghệ đã cho phép ảnh chụp sao Hỏa trở nên rõ ràng hơn.
Trên Sao Hỏa có tồn tại nước thể lỏng (Ảnh minh họa).
Theo dự tính, trong năm 2016 và 2017, ESA và NASA sẽ đưa 2 vệ tinh ExoMars và InSight vào quỹ đạo của Sao Hỏa nhằm thực hiện các nghiên cứu tiếp theo.
Một số khoa học gia cho biết, mục tiêu lớn nhất của NASA bây giờ là xác định khả năng duy trì sự sống trên Sao Hỏa, đồng thời tìm cách đưa con người đặt chân lên hành tinh này trong một tương lai không xa.
Theo Kênh14/Trí Thức Trẻ
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét